Nhiều kết quả đột phá trong phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2016 - 2020
Chiều ngày 10/3/2021, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp đánh giá kết quả hai năm triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 và định hướng phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số giai đoạn mới.

Cùng dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch thường trực UBQG về CPĐT;Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBQG về CPĐT và các thành viên UBQG về CPĐT.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp

Báo cáo tổng hợp của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại phiên họp đã nêu lên một số kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong triển khai phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, hầu hết chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 17 và UBQG về CPĐT đặt ra đến năm 2020 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra. Một số chỉ tiêu chưa hoàn thành chủ yếu bao gồm nhóm các chỉ tiêu về mức độ sử dụng DVC trực tuyến của người dân và chỉ tiêu về định danh và xác thực điện tử.Một số chỉ tiêu còn lại đặt mục tiêu 100% trong Nghị quyết 17 đều đã tiệm cận mức độ trên 98% vào cuối năm 2020 và sẽ hoàn thành trong Quý I/2021.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định, trong 5 năm vừa qua, và đặc biệt là 2 năm 2019 và 2020 gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBQG về CPĐT, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, mà một trong những ví dụ điển hình là Văn phòng Chính phủ, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, có cách tiếp cận mới để giải quyết các điểm nghẽn, từ đó giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua, đặt nền móng cho sự phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp khi tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong triển khai CPĐT theo Nghị quyết 17 của Chính phủ. Theo đó, Việt Nam là nước đi sau, vì vậy phải đi nhanh, đi trước thì mới có thể thay đổi thứ hạng về công nghệ mới, không nhất thiết phải tuần tự. Công nghệ mới, cách mạng công nghiệp mới thì thường tạo ra sự đột phá trong phát triển. Chỉ có mục tiêu cao thì mới cần đến công nghệ mới, cách tiếp cận mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh tới một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai CPĐT thời gian qua, đó là:

Cần có cơ quan điều phối thống nhất, nhất là khi CPĐT được triển khai phân tán ở các bộ ngành và tỉnh thành. Có một cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, nhìn thấy toàn cảnh, cả kế hoạch, cả đầu tư, cả thực thi, để đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Ở TW, thì cơ quan điều phối này trước đây là Văn phòng Chính phủ và nay là Bộ TT&TT. Ở các địa phương thì giao cho các Sở TT&TT.

Hài hoà giữa tập trung và phân tán. Những gì dùng chung được thì nên đầu tư tập trung, hoặc khuyến nghị dùng chung, trên nền tảng cloud. Các ứng dụng khác biệt thì nên phân tán.

Luôn dùng công nghệ mới nhất. Công nghệ số đang thay thế CNTT. Các công nghệ mới của CMCN 4.0 cho phép chúng ta dùng nền tảng để làm đồng loạt, thay vì làm dần dần. CPĐT vì vậy sẽ được đẩy nhanh hơn và chi phí rẻ hơn.

Cần có nguồn ngân sách ổn định cho CPĐT. Các nước đều dành một ngân sách dựa trên tỷ lệ GDP hoặc ngân sách để chi cho CPĐT. Các địa phương, bộ ngành có thể dùng 1% ngân sách hàng năm để phát triển CPĐT, đây là mức trung bình của thế giới. 

Về định hướng phát triển CPĐT giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong quý 1 hoặc đầu quý 2/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược CPĐT tiến tới Chính phủ số. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược về Chính phủ số.

Quan trọng nhất của Chính phủ số là cung cấp thêm các dịch vụ số cho người dân, là toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số, là sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thiết kế lại vận hành của chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các chỉ tiêu của CPĐT sẽ cơ bản được hoàn thành trong năm 2021, với trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%. Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025 và thuộc top 50. Các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/7, theo nhu cầu và cá thể hóa. Các dịch vụ công mới được phát triển kịp thời dựa trên dữ liệu mở và với sự tham gia hợp tác của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Và tiếp theo là sự liên tục tiến hóa để trở thành chính phủ thông minh.

Chính phủ số là một cấu thành quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh kinh tế số và xã hội số. Nhưng Chính phủ số có sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, do vậy phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.

Chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu, bao gồm: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; Huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp; Sự vận hành tối ưu của các cơ quan nhà nước dựa trên dữ liệu và công nghệ số; Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, như y tế, giáo dục, giao thông…; Đột phá về thăng hạng trong xếp hạng quốc gia.

Chiến lược cũng đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số quốc gia; Phát triển các nền tảng số quốc gia; Phát triển dữ liệu quốc gia; Phát triển các ứng dụng quốc gia; và Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Chuyển đổi từ CPĐT thành Chính phủ số là sự chuyển đổi có tính căn bản. Từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số. Từ người dẫn dắt là giám đốc CNTT thành người đứng đầu các tổ chức. Khái niệm hệ thống công nghệ thông tin được thay bằng nền tảng số. Từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu. Từ công nghệ Web và PC thành công nghệ Mobile, Cloud, AI, IoT. Từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị. Từ đo lường số lượng dịch vụ công lên online thành số lượng dịch vụ công mới được phát triển. Thách thức của CPĐT là liên thông, tích hợp thì thách thức của Chính phủ số là quản lý sự thay đổi.

Trong phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBQG về CPĐT, người đã tạo ra sự phát triển có tính đột phá cho CPĐT Việt Nam, người đặt nền móng để Việt Nam phát triển chính phủ số, là người định hướng, cổ vũ, giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển Ngành TT&TT, các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà. Bộ trưởng kính chúc Thủ tướng thật nhiều sức khỏe, thu nhận được thật nhiều năng lượng mới để gánh vác trọng trách mới, đưa Việt Nam phát triển hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển, thu nhập cao khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.

Phát triển Chính phủ điện tử là điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua

Phát biểu kết luận phiên họp của UBQG về CPĐT, Thủ tướng nêu rõ, với việc ban hành Nghị quyết 17, lần đầu tiên chúng ta có kế hoạch tổng thể về triển khai CPĐT ở Việt Nam. Nghị quyết 17 đã chú trọng vào việc xây dựng thể chế và yêu cầu nền tảng dùng chung. Đây là hai vấn đề quan trọng mà chúng ta chưa làm được trong nhiều năm.

Cùng với những thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế-xã hội, những nỗ lực mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện và những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng và phát triển CPĐT là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020, Thủ tướng nêu rõ.

Hiện nay, UBQG về CPĐT được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh. Môi trường pháp lý cho phát triển CPĐT cơ bản được hình thành đầy đủ.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam. Kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả sẽ là tiền đề phát triển Chính phủ số.

Một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong nhiều năm không làm được thì đã được khai trương ngày 25/02/2021, là cú hích giảm giấy tờ thủ tục hành chính đáng kể.

Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tạo thành hệ thống giám sát toàn diện an toàn không gian mạng quốc gia.

An toàn, an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số là điều kiện tiên quyết, luôn là nhiệm vụ song hành với các nhiệm vụ chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ. Cơ sở dữ liệu quốc gia phải được sử dụng hiệu quả chứ không phải mỗi bộ, mỗi cơ quan cứ ôm giữ, không chia sẻ.

Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được chú trọng phát triển để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã trở thành nền nếp giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí hành chính (trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia).

Về triển khai chuyển đổi số, chúng ta đã khởi động và đạt được kết quả bước đầu. Đến nay, trên 50% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số (đến nay có khoảng 40 nền tảng “Make in Việt Nam” được ra mắt).

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp đã được khởi động và bước đầu triển khai hiệu quả. Bộ TT&TT đã ra mắt Cổng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (thu hút 400 người dùng doanh nghiệp, hỗ trợ gần 200 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số).

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế như môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện (một số Nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành, đặc biệt là về bảo vệ dữ liệu cá nhân; định danh, xác thực điện tử…); Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp; Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ, kế hoạch đã đề ra...

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chụp ảnh lưu niệm

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá cao những kết quả đạt được về CPĐT trong thời gian qua, đặc biệt khi UBQG về CPĐT đi vào hoạt động. Trong đó, đã lựa chọn một số khâu như dịch vụ công trực tuyến và kết nối liên thông dữ liệu làm bước đột phá và đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu từ các Bộ, ngành trung ương và các doanh nghiệp đã trao đổi nhiều nội dung, tập trung thảo luận những tồn tại, hạn chế, vướng mắc làm cản trở việc xây dựng CPĐT, tìm đúng nguyên nhân, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình xây dựng CPĐT, Chính phủ số trong thời gian tới./.

Đức Huy/Theo mic.gov.vn


Thông báo - Hướng dẫn






Lượt truy cập
  • Đang online: 26
  • Tất cả: 3651722