Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ - quyết sách kịp thời, nhân văn, thiết thực
Đại dịch Covid-19 đang tác động to lớn đến mọi mặt đời sống của nước ta. Kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người lao động và người sử dụng lao động đều gặp khó khan; đã có hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ việc và giảm thu nhập, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã phải ngưng hoạt động. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng cũng đã có hàng ngàn lao động tự do mất hoặc thiếu việc làm, hộ nghèo không đảm bảo mức sống tối thiểu. Trước tình thế đó, Nghị quyết 68 được Chính phủ ban hành đã kịp thời góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động, người sử dụng lao động, duy trì mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Ngày 01/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. So với Nghị quyết 42 của Chính phủ năm 2020 thì gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 lần này được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ với tổng mức kinh phí lên tới 26.000 tỷ đồng. Theo đó, 12 chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác. Việc mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ, mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.
 
Chính từ ý nghĩa sâu sắc đó mà ngay sau Nghị quyết 68 ban hành, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương thực hiện theo đúng nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Xác định đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác, nhất là người nghèo, người lao động tự do là đối tượng yếu thế dễ bị ảnh hưởng do đại dịch Covid -19. Vì vậy mà các cấp, các ngành đã chủ động kịp thời hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc cho các địa phương, cán bộ các cấp thực hiện công tác hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thường xuyên phối hợp để khẩn trương tổng hợp danh sách người lao động và người sử dụng lao động đủ điều kiện hưởng các chính sách theo quy định. Chính sự chủ động, khẩn trương vào cuộc mà đã có hàng ngàn đối tượng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 68. Bà Phạm Thị Lánh, ở ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên vừa nhận được 1,5 triệu đồng hỗ trợ theo Quyết định 68 của Chính phủ. Bà Lánh cho biết, hàng ngày nhờ vào gánh khoai lang bán rong để trang trải kinh tế gia đình. Nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bà không đi bán nữa mà nghỉ ở nhà, hoàn cảnh gia đình đã khó nay còn khó hơn. Vì vậy, khi nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ bà rất vui mừng.
 
Tính đến ngày 26/8/2021, 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh hoàn thành chi hỗ trợ 100% (đợt 1) cho 37.882 người với tổng kinh phí gần 57 tỷ đồng, trong đó có 6.554 người bán vé số lẻ với kinh phí thực hiện chi hỗ trợ là gần 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt (đợt 2) cho đơn vị huyện Châu Thành, với 1.444 người lao động tự do, kinh phí thực hiện 2,1 tỉ đồng. Qua đó kịp thời chia sẻ khó khăn, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động trên địa bàn tỉnh. Hiện các địa phương đang tiếp tục nhận hồ sơ và lập danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt đợt 2.
 
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội Nguyễn Văn Hồi tặng quà cho người lao động tự do bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành trong chuyến công tác tại tỉnh Sóc Trăng
 
Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết 68 là hỗ trợ người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, các chính sách như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh... bởi người sử dụng lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh khi tình hình sản xuất đình trệ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có không ít doanh nghiệp, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, sản xuất. Trước tình hình đó, việc thực hiện các chính sách này đã kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh. Tính đến cuối tháng 8/2021 đã 1.085 đơn vị được giảm 0,5% mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số 36.623 lao động, số tiền giảm gần 1,8 đồng; số tiền tạm tính giảm đến tháng 6/2022 gần 10,8 tỷ đồng. Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho 1 đơn vị với số tiền dừng đóng gần 312 triệu đồng; số tiền tạm tính dừng đóng 6 tháng là trên 1,8 tỷ đồng, có 32 lao động thực hiện hoãn hợp đồng lao động được UBND tỉnh phê duyệt danh sách với kinh phí hỗ trợ là gần 112 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiếp nhận 2 hồ sơ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho 67 lao động, kinh phí thực hiện là trên 215 triệu đồng. Đối với hỗ trợ hộ kinh doanh, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho 2 hộ với tổng kinh phí là 6 triệu đồng. Các đơn vị còn lại đang khẩn trương rà soát, hướng dẫn các hộ kinh doanh lập hồ sơ, thủ tục để nhận được hỗ trợ theo quy định. 
 
Đối với chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, trên địa bàn tỉnh đã có 34 diễn viên hạng IV và hướng dẫn viên du lịch nhận hỗ trợ với tổng số tiền trên 126 triệu đồng. Anh Thạch Vinh là diễn viên hạng IV công tác tại Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, mỗi tháng anh cùng các anh chị em trong đoàn đi biểu diễn với thu nhập khoảng gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là ở đợt bùng phát lần thứ 4 này, anh bị gián đoạn công việc đã nhiều tháng nay. Vợ anh cũng là diễn viên nên cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trung bình mỗi tháng gia đình phải trang trải các chí phí sinh hoạt cho 4 thành viên gần 10 triệu đồng, trong khi lương của anh chị hiện nay chỉ hơn 6 triệu đồng. Vì vậy, khi nhận được số tiền hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng từ Nghị quyết 68, anh rất vui và cảm động, số tiền là nguồn động viên rất lớn, giúp gia đình trang trải phần nào chi phí sinh hoạt trong giai đoạn khó khăn này. 
 
Một chính sách mang tính nhân văn và ý nghĩa khác của Nghị quyết 68 đó chính là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên được hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người; người lao động phải ngừng việc vì cách ly y tế hoặc ở trong khu vực bị phong tỏa thì được hỗ trợ 1 lần 1 triệu đồng/người; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3,7 triệu đồng/người. Người phải cách ly y tế được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày diện F1 được hỗ trợ tiền ăn không quá 21 ngày, diện F0 được hỗ trợ tiền ăn không quá 45 ngày. Đặc biệt, điểm mới trong chính sách hỗ trợ lần này là dành sự quan tâm tới phụ nữ và trẻ em. Cụ thể, người lao động mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc bố; trẻ em trong thời gian điều trị Covid-19 được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Trên thực tế, số tiền từ gói hỗ trợ không nhiều nhưng trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chắc chắn sẽ là nguồn động viên, tiếp sức giúp người lao động vượt qua đại dịch.
 
Phương Anh 
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77691214

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.