Khai mạc Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu tại sự kiện
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết:
Năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực ATTT, thể hiện qua việc Việt Nam vươn lên vị trí 17/194 quốc gia về xếp hạng an ninh mạng toàn cầu. Những nỗ lực không ngừng đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Số vụ tấn công mạng trong 9 tháng đầu năm đã giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Hệ thống giám sát quốc gia đã xử lý hơn 10,5 tỷ bản tin, ngăn chặn thành công hơn 14.552 website độc hại, bảo vệ an toàn cho hơn 11,32 triệu người dùng.
Những kết quả này, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì cũng phải kể đến những cố gắng của các cơ quan như Ban cơ yếu Chính phủ, Bộ Công an, và ngoài ra không thể không kể đến vai trò hết sức quan trọng của VNISA và các doanh nghiệp thành viên tham gia Hiệp hội, các cơ quan, tổ chức.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đã nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm trong việc bảo vệ hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia.
Thứ nhất, sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo bảo đảm ATTT; yêu cầu các cơ quan, tổ chức chủ động rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng các hệ thống thông tin (HTTT), triển khai đảm bảo đầy đủ các quy định hiện hành về đảm bảo ATTT, an ninh thông tin, trong đó đảm bảo thực hiện quy định về đảm bảo ATTT HTTT theo cấp độ.
Thứ hai, các cơ quan, tổ chức tăng cường đầu tư cho ATTT, tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam, của Việt Nam, do Việt Nam thiết kế, sản xuất, đặc biệt là giám sát, phát hiện và phòng chống tấn công mạng tự động, ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các cơ quan nhà nước đảm bảo chi ít nhất 10% ngân sách CNTT cho ATTT. Điều này từng bước thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công tác bảo đảm ATTT.
Thứ ba, chỉ đạo, tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp, đặc biệt là nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp và duy trì liên tục, ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Cục ATTT. Các cơ quan, tổ chức duy trì kết nối, thực hiệp kịp thời ứng cứu sự cố khi cần thiết.
Thứ tư, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó ngay với các sự cố mất ATTT vì các cuộc tấn công ngày càng đa dạng, phức tạp.
Lễ ra mắt nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến
"Nếu không kịp thời có những phương án ứng cứu ngay lập tức, không chủ động thì khi xảy ra sự cố không biết ứng cứu như thế nào. Đề nghị các cơ quan, tổ chức, DN rà soát lại, thường xuyên có những phương án, kịch bản sẵn sàng ứng cứu ATTT, đặc biệt lưu ý thường xuyên sao lưu dữ liệu quan trọng, kịp thời, khắc phục ngay sau khi bị tấn công", Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần thường xuyên, liên tục cải thiện tự nâng cao năng lực tự bảo đảm ATTT, chủ động triển khai các phương án đảm bảo ATTT của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
"Với sự quyết tâm, chung tay nỗ lực của các bên sẽ nâng cao được năng lực, hiệu quả công tác bảo đảm ATTTT để xây dựng một hạ tầng số quốc gia an toàn, vững mạnh góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số - xã hội số của đất nước", Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhận định.
Bảo đảm ATTT phải luôn song hành với xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu
Tại sự kiện, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hiệp hội ATTT Nguyễn Thành Hưng nhận định: trong bối cảnh ứng dụng AI, IoT, 5G đang được thúc đẩy mạnh mẽ thì hạ tầng dữ liệu được xem là một bộ phận quan trọng nhất của hạ tầng số.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hiệp hội ATTT Nguyễn Thành Hưng
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hạ tầng số phát triển nhanh chóng, trong đó có hạ tầng dữ liệu. Nhiều trung tâm dữ liệu lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động. Trong khi đó, phát triển nền tảng số quốc gia được xem là giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 - Chủ tịch VNISA nhận định.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng: Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia đã mang lại nhiều cơ hội phát triển, những thay đổi lớn cho Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, nhưng cũng đặt ra những thách thức về rủi ro về an ninh, ATTT. Tấn công mạng ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp và gây ra những tác hại lớn hơn. Việc đảm bảo ATTT mạng cho hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số quốc gia cũng chính là bảo vệ không gian mạng quốc gia và góp phần xây dựng nền móng an toàn, vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Trao giải thưởng cho các đội thi xuất sắc trong cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2024
Với tầm quan trọng đó, việc đảm bảo an ninh, an toàn cho hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số cần phải được quan tâm ngay từ khi bắt đầu xây dựng, với nguyên tắc bảo đảm an toàn ở mức cao nhất. Bảo đảm ATTT phải luôn song hành với xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu và nền tảng số. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp CNTT, ATTT hoạt động tại Việt Nam – Chủ tịch Vnisa Nguyễn Thành Hưng nhận định.
Áp dụng nguyên tắc "kiềng ba chân" để phòng chống lừa đảo trực tuyến
Trong phiên hội thảo toàn thể buổi sáng với chủ đề "An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia", ông Trần Quang Hưng - Quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin đã phân tích về hiện trạng bảo đảm an toàn thông tin tại Việt Nam. Theo đó, trên không gian mạng tiềm ẩn những rủi ro về tấn công mạng vào các hệ thống thông tin; về tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến nhằm vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân với mục đích chủ yếu là để chiếm đoạt tài chính…
Ông Trần Quang Hưng - Quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin
Cục An toàn thông tin đã đưa ra các khuyến nghị về việc bảo đảm an toàn cho HTTT của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cho người dân. Trong đó, để phòng chống lừa đảo trực tuyến, cần áp dụng nguyên tắc "kiềng ba chân": Pháp lý, chính sách; biện pháp kỹ thuật; tuyên truyền, đào tạo kỹ năng; cùng với đó là vai trò của: Cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng, hệ thống trực tuyến; báo chí, truyền thông, mạng xã hội.
Đa dạng hoạt động tại Hội thảo – Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024
Tại sự kiện, các đại biểu còn được lắng nghe tham luận từ các nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành của những doanh nghiệp lớn như Công ty An ninh mạng Viettel, Trung tâm An toàn thông tin VNPT, Huawei Việt Nam. Nội dung tập trung vào các thách thức trên không gian mạng và các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho tổ chức và doanh nghiệp.
Song song với đó còn diễn ra các phiên hội thảo chuyên đề về: Ứng dụng AI bảo đảm an toàn thông tin trong những ngành kinh tế trọng yếu"; bảo vệ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số và triển lãm an toàn thông tin với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu về các giải pháp dịch vụ an ninh mạng.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ khai trương "Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến ATTT" do Cục An toàn thông tin thực hiện. Nền tảng này cung cấp miễn phí kho tri thức và các thông tin cần thiết để hỗ trợ hoạt động diễn tập, quản lý, số hóa quy trình, chuẩn hóa kỹ thuật, và kết nối các chuyên gia với tổ chức ATTT. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả điều phối các hoạt động diễn tập trên phạm vi toàn quốc.
Cũng tại sự kiện, Hiệp hội An toàn thông tin đã trao giải thưởng cho các đội thi xuất sắc trong cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2024, vinh danh những đội đạt giải Nhất và Nhì.
Hội thảo – Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm an toàn thông tin trong tiến trình chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế số./.
Thảo Anh
Nguồn: mic.gov.vn