Tư duy mới để phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Cục PTTH&TTĐT phải có tư duy mới, mang tính lý luận để giải bài toán phát triển của ngành
Chiều ngày 15/01/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) về tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể lãnh đạo, công chức và người lao động Cục PTTH&TTĐT.
Kiên quyết đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới
Báo cáo với Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ về kết quả công tác của Cục PTTH&TTĐT năm 2023, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết, một trong những kết quả nổi bật thời gian qua là kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới. Đơn vị đã duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc ở mức cao. Cùng với việc gỡ bỏ link bài vi phạm, Cục PTTH&TTĐT còn yêu cầu chặn gỡ các tài khoản, trang fanpage, hội nhóm.
Cục đã triển khai hiệu quả quy trình xử lý mới đối với các tình huống đặc biệt, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, giúp thời gian xử lý vụ việc nhanh hơn và huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia. Việc sử dụng thêm AI cùng thuật toán tự động rà quét, chặn, gỡ nội dung vi phạm khiến cho số lượng xử lý được nhiều hơn.
Trong năm 2023, Cục PTTH&TTĐT đã tổ chức kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra cuộc kiểm tra đối với một nền tảng xuyên biên giới. Qua quá trình phối hợp liên ngành với nhiều lĩnh vực và dịch vụ khác nhau, đoàn kiểm tra đã buộc TikTok phải thừa nhận các hành vi vi phạm.
Cục PTTH&TTĐT đã triển khai thành công sáng kiến WhiteList - BlackList để nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo xuyên biên giới vào trong nước nhằm khuyến khích các nhãn hàng, các đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo vào trang, kênh được Bộ TT&TT xác thực (whitelist).
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Bộ TT&TT triển khai chiến dịch truyền thông gắn với các KOL, những người có sức ảnh hưởng trên mạng. Tháng 5/2023, Bộ TT&TT đã lần đầu tổ chức gặp gỡ, kết nối với cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng. Đến tháng 9/2023, Cục PTTH&TTĐT đã triển khai thành công chiến dịch truyền thông Anti Fakenews với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng.
Song song với các hoạt động quản lý thông tin trên Internet, Cục PTTH&TTĐT đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành games Việt Nam với nhiều sự kiện lớn được triển khai.
Tăng cường hiệu quả làm sạch không gian mạng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, trong năm 2023 Cục PTTH&TTĐT đã xử lý được một khối lượng công việc lớn, năm 2024 Cục cần có quy trình thống nhất với Cục An toàn thông tin và Trung tâm Internet Việt Nam để tăng cường hiệu quả làm sạch không gian mạng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để kêu gọi các Bộ, ngành cùng tham gia vào cuộc chiến chống lừa đảo trên không gian mạng.
Về nhiệm vụ của Cục PTTH&TTĐT năm 2024, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị Cục PTTH&TTĐT xem xét lại việc cấp giấy phép và rà soát hoạt động của các trang tin điện tử, mạng xã hội để sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng “báo hóa”. Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục PTTH&TTĐT phối hợp với Cục Viễn thông và Trung tâm Internet Việt Nam để chủ động rà soát, xử lý hình ảnh, video vi phạm.
Phương châm hành động của Cục PTTH&TTĐT trong năm 2024 là lan tỏa năng lượng tích cực, coi Internet là “mặt trận” chính, đa phương tiện là trọng tâm và tích cực thích ứng với xu thế truyền thông ngắn, nhanh của thế giới.
Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do: Phương châm hành động của Cục PTTH&TTĐT trong năm 2024 là lan tỏa năng lượng tích cực, coi Internet là “mặt trận” chính, đa phương tiện là trọng tâm và tích cực thích ứng với xu thế truyền thông ngắn, nhanh của thế giới.
Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, thực hiện phương châm này sẽ có nhiều chương trình hành động nhằm thúc đẩy việc tuyên truyền trên “màn hình nhỏ”, nhất là trên mạng xã hội, đưa nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo lên TV thông minh, vinh danh các sản phẩm nội dung số, khuyến khích lan tỏa năng lượng tích cực, triển khai chiến lược thúc đẩy phát triển ngành game và giai đoạn 2 của sáng kiến whitelist, blacklist,…
Tư duy mới để thay đổi mạnh mẽ
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của lãnh đao và cán bộ nhân viên Cục PTTH&TTĐT trong năm 2023 để đạt được nhiều thành tích và kết quả tốt.
Bộ trưởng đánh giá cao cách làm, sáng kiến và những kết quả mà Cục PTTH&TTĐT đã làm được trong việc đấu tranh, quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Bộ trưởng cũng lưu ý, trong năm 2024, bên cạnh việc quản lý, Cục PTTH&TTĐT cần chú ý nhiều hơn tới thúc đẩy sự phát triển.
Bộ trưởng chỉ rõ, ngành Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đang đối mặt với nhiều sự thay đổi. Cục PTTH&TTĐT vì thế sẽ phải có tư duy mới, mang tính lý luận để giải bài toán phát triển của ngành, như: Xử lý câu chuyện về mối quan hệ giữa “màn hình to”, “màn hình nhỏ”; tỷ lệ giữa “nội dung ngắn” và “nội dung dài”; giải quyết nguyên lý “nhiều và ít”; vấn đề tự chủ và hỗ trợ của nhà nước; vấn đề báo chí và công nghệ hay tỷ lệ người làm công nghệ trong các cơ quan báo chí, xu hướng truyền hình quảng bá và đa nền tảng, xu hướng ứng dụng AI để giảm bớt công việc;...
Đó còn là những bài toán về sự phát triển của các mạng xã hội Việt Nam, của ngành công nghiệp game, của ngành công nghiệp nội dung số, việc định hướng cho các trang thông tin điện tử, xác định và tạo cơ chế cho các đài truyền hình chủ lực vươn lên, phát triển kênh truyền hình quốc tế của Việt Nam,...
Về cách làm, theo Bộ trưởng, để ngành Truyền hình sống được, cần phải nghĩ đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển các nội dung như thể thao, giải trí, tư vấn, sự kiện, truyền thông,...
“Màn hình to” (TV) và “màn hình nhỏ” (điện thoại, máy tính bảng) đều có thế mạnh riêng và có thể bổ trợ lẫn nhau. Điều quan trọng là phải điều tiết tỷ lệ sao cho hợp lý. Tương tự là câu chuyện giữa “nội dung ngắn” và “nội dung dài”. Đây là vấn đề liên quan đến cách thức, sự thay đổi của lĩnh vực truyền hình. Truyền thông ngắn là câu chuyện của thời đại, nhưng các đài truyền hình truyền thống dường như đang bỏ trống “trận địa” này.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bộ trưởng chỉ rõ, nên giảm tỷ lệ hỗ trợ cho những đài truyền hình được “bao cấp” hoàn toàn để họ được thúc đẩy bởi yếu tố thị trường. Với những đài truyền hình lớn, đang tự chủ, cần tạo cơ chế chính sách để họ thuận lợi phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh tỷ lệ nguồn thu của các đài sao cho hợp lý, tránh việc bị phụ thuộc vào quảng cáo hay hoạt động liên kết.
Hiện nay Game đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, cần coi game là ngành công nghiệp nội dung để phát triển kinh tế số, đồng thời giới thiệu văn hoá, lịch sử Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp game cần có chiến lược, truyền thông, có các giải game nhưng cũng cần có biện pháp hạn chế mặt tiêu cực do game mang lại.
Để giải quyết nguyên lý “nhiều và ít”, theo Bộ trưởng, việc bây giờ nhiều hơn, phải xử lý dữ liệu nhiều, nhiều quy trình quy chế thì phải ứng dụng máy hóa, AI hóa để giảm tải. Những việc ít dữ liệu lại là thế mạnh của con người vì con người mới sáng tạo được. Đó là nguyên lý rất quan trọng của thời đại bây giờ.
Để làm được những việc trên, Cục PTTH&TTĐT cần có các phương pháp đo lường thế hệ mới, với dữ liệu tốt hơn, thông minh hơn, dùng công nghệ số, cụ thể là AI và trợ lý ảo để tăng năng suất lao động, giảm thời gian làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2024 là năm quan trọng trong kế hoạch 5 năm, là năm tăng tốc về đích, Cục PTTH&TTĐT phải có sự thay đổi về nhận thức, thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực để Việt Nam có thêm nhiều ngành công nghiệp phát triển bền vững./.
Đức Huy
(Nguồn: mic.gov.vn)